Làn sóng GO bắt đầu ồ ạt đổ xô vào thị trường Việt Nam khi người tiên phong VinaGame “bạo gan” đem Võ lâm truyền kỳ về VN và giành được thắng lợi không ngờ. Hàng loạt tựa game đủ các thể loại từ Gunbound, Audition cho đếnPriston tales, TS online, Cửu long tranh bá… mỗi người mỗi vẻ, cho các game thủ thỏa sức tung hoành.
Võ lâm truyền kỳ thắng lớn khiến thị trường GO Việt sôi sục
Thế nhưng, vạn vật trên đời đều phải trải qua ba giai đoạn : cực thịnh - bão hòa - thoái trào, và GO tại VN cũng không phải là ngoại lệ. Vài năm gần đây, thị trường GO đã đi vào giai đoạn bão hòa đến mức triệt để vì thiếu vắng những tựa game “chất” với sự đột phá khả dĩ đủ để phá tan tảng băng chết chóc đang dần bao phủ thị trường VN này. Tràn ngập khắp nơi là những tựa webgame của Trung Quốc, vốn đã hạn chế về ý tưởng mà lại còn trùng lặp nhiều về lối chơi. Đến nỗi nhiều người chơi chán game này nhảy qua game khác mà vẫn cứ ngỡ mình… “quen tay” đăng nhập vào game cũ, bởi lẽ chúng quá giống nhau.
Trong bài tư liệu này, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số nguyên nhân chính khiến GO VN rơi vào tình trạng “sống dở chết dở” như hiện tại nhé!
Trọng lượng hơn chất
Thời gian gần đây kinh tế thị trường suy thoái, tuy vậy riêng mảng GO vẫn sống khỏe phây phây. Nói sống, là các nhà phát hành sống, chứ game có sống hay không họ chả quan tâm. Bởi lẽ, làm GO nhất là webgame, thu lợi dễ quá: bỏ 1 ra chỉ vài tháng là thu lại gấp 2 - 3, một phần cũng vì tâm lý game thủ VN rất thích “chơi sang”. Nếu ở thời điểm 2006 việc một game thủ bỏ 250 triệu đồng ra mua một chiếc nhẫn “kỹ năng vốn có +2, 23% kháng băng” trongVLTK bị người đời chê “khùng”, “thừa tiền” thì giờ đây chuyện nhà nhà người người đốt vài chục triệu mỗi tháng vào một tựa webgame nào đó là bình thường.
Thấy lợi thì tất nhiên ai cũng sẽ đổ xô vào làm, và cái gì cũng thế, làm ồ ạt vì lợi nhuận thì làm sao còn thời gian mà quan tâm đến chất lượng sản phẩm hay lợi ích của người dùng nữa? Hậu quả là hàng loạt tựa game kém chất lượng ra đời, từ hình ảnh cho đến dịch vụ thiếu đầu tư, và hiển nhiên là phần lớn đều rơi vào tình trạng “chết yểu”. Khi game thủ bỏ quá nhiều tiền đầu tư vào mà họ không cảm nhận được quyền lợi gì rõ rệt, điều tất yếu là họ sẽ rời đi. Và nhiều người cùng làm vậy, thì game sẽ thành game chết. NPH cũng chả quan tâm đâu, vì đóng cửa một server với họ là quá dễ dàng, cũng như việc hàng ngàn tài khoản của người chơi chẳng khác chi là dăm ba đoạn mã toàn số.
Thiếu tính đột phá, sao chép rập khuôn quá nhiều
Thời gian trước, các NPH game cạnh tranh với nhau cực kì khốc liệt để giành thị phần game thủ về phía mình, và tất nhiên trong quá trình “minh tranh ám đấu” đó thì ai cũng phải đầu tư nâng cao chất lượng server, tăng tốc đường truyền, tổ chức sự kiện liên tục … còn người có lợi, hiển nhiên là các game thủ thân yêu rồi.
Chưa bàn đến việc họ liên tục đem về VN những tựa game đỉnh cao nhất hòng chiếm tiên cơ trong cuộc đua khốc liệt này. Ở thời điếm bấy giờ, những tựa game mang về phải đạt đủ mọi tiêu chuẩn như mới lạ, độc đáo, nội dung hay… và hiển nhiên là phải khác biệt nhiều với nhau. Tỉ dụ như chắc chắnShaiya sẽ không giốngThiên long bát bộ, vàCabal thì phải khác vớiĐột kích rồi. Do đó, thị trường game thời điểm những năm 2006 - 2008 có lẽ là đỉnh cao hoàng kim nhất, bởi lẽ game thủ được tận hưởng vô số món ngon vật lạ, và hiển nhiên khi hài lòng thì việc họ mở hầu bao chịu chi cũng là… dễ hiểu.
Thế nhưng, một xu hướng tất yếu trong mọi cuộc đấu tranh là phải có kẻ thắng người thua. Dần dần những hãng game yếu thế đã bị các đại gia như VNG, FPT, VTC… thâu tóm hoặc tiêu diệt. Và một khi đã ngồi lên ngôi vương, trở nên “vô đối” rồi thì dễ gì các “ông lớn” này còn giữ được chính sách chiều ý khách hàng “tới bến” nữa ? Hậu quả là thậm chí những tựa game “con cưng” của họ cũng dần dần bị lơ là, bỏ rơi theo kiểu “được chăng hay chớ”. Bởi thế nên các hãng kinh doanh hàng đầu thế giới không bao giờ giữ thế độc quyền quá lâu cả, vì sẽ rất dễ ngủ quên trên chiến thắng.
Và bây giờ, sau nhiều năm “ngồi mát ăn bát vàng” cũng như việc trọng lượng hơn chất, cuối cùng thì thị trường GO VN đã rơi vào ngõ cụt. Thật sự giờ đây muốn tìm một tựa game online nào mà không phải là webgame, không phải tốn nhiều tiền, không quá nhàm chán cũng khó như mò kim đáy bể. Có một dạo bùng nổ webgame Trung Quốc đến nỗi mà người chơi bị “tẩu hỏa nhập ma”, không phân biệt nổi game này với game kia nữa.
Bị thủ tục hành chính làm khó
Còn nhớ hồi năm 2006, việc thông tư 60 ra đời bắt buộc các NPH GO phải tìm cách hạn chế game thủ chỉ được chơi game năm giờ mỗi ngày đã gây chấn động khắp VN như thế nào. Cũng khó trách, vì những nghị định và thông tư hiếm khi phản ánh đúng thực trạng mà phần lớn là do… “đọc báo thấy nói”. Không thể phủ nhận rằng cái gì nhiều quá sẽ phản tác dụng, và việc GO lúc đó mang lại hậu quả tiêu cực nhiều hơn tích cực cũng là một lí do khiến Bộ văn hóa thông tin phải làm mạnh tay.
Trong cơn bão cấm chơi quá 5h, chỉ những game như Audition mới khả dĩ "lách" được
“Đạo cao một thước mà ma cao một trượng”, nói chung đã có luật thì sẽ có … lách luật. Các NPH cũng nghĩ đủ trò “ma giáo” để khỏi trái lệnh trên mà vẫn đảm bảo khách hàng được chơi thoải mái. Thế nhưng kiểu gì thì kiểu, món ăn có ngon lành đẹp mắt đến mấy, chủ quán có niềm nở đon đả đến mấy, mà đã lỡ dính một cái “phốt” rồi thì dễ gì khách hàng ngon miệng cho nổi.
Dần dà, do thiếu sự đầu tư đúng mức cũng như chỉ xem xét bề mặt, từ phía báo chí lẫn cộng đồng bắt đầu gán ghép GO với mọi hình thức tệ nạn xã hội nhất. Cướp giật, đâm chém, … đều quy về chung một lí do là “thiếu tiền chơi GO”. Và rồi ngay đến việc xin giấy phép để mở tiệm internet (vốn thật ra chẳng liên quan gì đến GO) cũng bị hạch sách đủ điều, khó chồng thêm khó.
Thị hiếu hạn chế, dân trí chưa cao
Nói đi thì cũng phải nói lại, vì một nguyên do khiến webgame Trung Quốc tràn ngập VN cũng do thị hiếu dân mình tương đối… hạn chế. Hiển nhiên từ thời cha chú chúng ta vốn mê tiểu thuyết kiếm hiệp ba xu cho đến thời nay cứ mở TV lên ngoài phim tình cảm Hàn sướt mướt thì còn lại cũng toàn các kiếm khách bay nhảy như chim, đâm chém loạn xạ, việc đa số bạn trẻ dễ tiếp thu thể loại GO kiếm hiệp, tiên hiệp cũng là tất yếu.
Chỗ éo le là phải chơi các GO phương Tây, Hàn Quốc mới thấy trình độ làm game của họ thế nào. Đột phá là phương châm sống và đổi mới là sách gối đầu nằm. Chắc chắn những ai đã từng tiếp xúc vớiWorld of warcraft, AION, Granado espada… sẽ khó lòng chấp nhận nổi thể loại game kiếm hiệp ba xu nhan nhản ở thị trường VN bây giờ. Và cũng khó mà nói khác đi khi sự thực là game thủ tự phong ở VN thì nhiều, mà số “chân nhân” thực thụ chơi game để cảm game và mê game đúng nghĩa thì lác đác như… lá mùa thu.
Nhắc đến GO VN thì sẽ phải nhớ đến một thực trạng phát rầu, đó là việc game thủ VN mà bước ra đấu trường quốc tế thì luôn được bạn bè năm châu bốn bể… xua đuổi như đuổi tà. Cái chính là do phần lớn game thủ VN còn trẻ người non dạ, “võ công không cao mà tính lại nóng” – mở mồm ra là chửi thề, động tay vào là cheat/ hack, bực mình là thoát không cần lí do. Nói không phải đùa, mỗi lần chơi game ở server nước ngoài mà bị hỏi là dân xứ nào, đố dám mở miệng tự xưng là người VN.
Không phải người viết kì thị với GO nước nhà, bởi lẽ bản thân người viết cũng một thời đắm chìm trong vô số GO đủ loại từ nhảy nhót cho đến kiếm hiệp. Thế nhưng, chỉ khi con người thẳng thắn nhìn lại và thừa nhận khuyết điểm của bản thân, thì họ mới phát triển cho tốt hơn được. Nếu cứ mãi đổ thừa “rằng thì là mà do nên tại bị” hoặc tìm lí do để lấp liếm thì, cũng như dân ta hay nói, “còn khướt mới khá nổi”.
Game là một nghệ thuật, một nét văn hóa cao quý. Đừng để cho nó bị vấy bẩn bởi những sai lầm mà thật ra hoàn toàn có thể tránh được. Mà nói riêng gì game, há không phải việc trên đời đều như thế sao ? Chỉ cần ai ai cũng đồng lòng, có sức góp sức, có tiền góp tiền, không có gì thì… ngồi cổ vũ, thì chuyện lớn bằng trời cũng sẽ như không mà thôi.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, một game thủ đã gắn bó với game online Việt từ thuở sơ khai.
Ngọc Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét